THAM LUẬN CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH THÁI NGUYÊN

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 13/06/2023

Tại Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thái Nguyên năm 2022

 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên - Nguyễn Văn Thời phát biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh

Kính thưa Quý vị đại biểu! 

Hiệp hội nhất trí cao với Báo cáo phân tích chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Đây là bản phân tích rất chi tiết 10 chỉ số thành phần, qua đó nhìn nhận rõ được điểm mạnh, điểm yếu cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác điều hành của chính quyền địa phương. Đối với mỗi chỉ số thành phần, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư – với tư cách là Thường trực Ban chỉ đạo PCI cấp tỉnh, đã nêu rõ giải pháp để cải thiện từng chỉ số. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và mong chờ, sau Hội nghị này, các giải pháp đó sẽ được triển khai tích cực và đồng bộ, làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, Nhà đầu tư.

Kính thưa Quý vị đại biểu!

Theo kết quả khảo sát gần đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp cùng báo VnExpress khảo sát, về hiện trạng và các triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 từ góc nhìn của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, khó khăn thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt, là: Khó khăn về đơn hàng (59,2%), khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%), thực hiện TTHC và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31.1%).

Cũng theo kết quả khảo sát, trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Chúng tôi có thêm niềm tin và động lực để vượt qua khó khăn, khi mà đ/c Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo PCI, với quyết tâm đưa PCI Thái Nguyên về TOP20. Ngay sau khi họp với Ban chỉ đạo PCI, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, số 2581/UBND-TH ngày 1/6/2023 trực tiếp giao nhiệm vụ cải thiện từng chỉ số PCI cho từng sở, ban, ngành, và nhấn mạnh, nhắc nhở, khẳng định: “đây được xem là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong năm 2023 và các năm tiếp theo”.

Chính vì vậy, tôi tin chắc rằng môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sẽ được cải thiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Xin các doanh nghiệp một tràng pháo tay để chúng ta ghi nhận và cảm ơn cam kết, quyết tâm của chính quyền tỉnh do đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo PCI!

Kính thưa Quý vị đại biểu! Từ góc nhìn của Cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất 3 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất là, nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, trên tinh thần chia sẻ - cởi mở - thẳng thắn và có trách nhiệm, tạo sự thấu hiểu giữa doanh nghiệp và sở ban ngành, chính quyền các cấp. Kết thúc mỗi buổi đối thoại, cần công khai những vấn đề doanh nghiệp đã phản ánh, ai hay cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết, thời hạn giải quyết,… Và các cấp các ngành cũng sử dụng kết quả này làm “thước đo” đánh giá năng lực của cán bộ công chức, năng lực cạnh tranh của sở, ngành, địa phương.

Thứ hai là, cần “công phá tâm lý sợ sai, không dám làm của cán bộ để thúc đẩy phát triển” ngay tại địa phương chúng ta. Bởi theo giải trình trước Quốc hội chiều 31/5, Bộ trưởng Nội vụ đã thừa nhận thực trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương, kể cả một số bộ ngành trung ương. Đối với địa phương chúng ta, tình trạng này thể hiện rõ ở các dự án, các vướng mắc của doanh nghiệp không được xử lý dứt điểm, kéo dài, “đá bóng sang sân người khác” khiến cho doanh nghiệp bị xói mòn niềm tin, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Thứ ba là, đối với cộng đồng doanh nghiệp, khi nhận được Phiếu khảo sát PCI, doanh nghiệp nên tìm hiểu thông tin chính xác trước khi điền Phiếu. Nội dung nào còn chưa nắm rõ, hoặc doanh nghiệp không biết thông tin do không có hoạt động đó, thì nên trao đổi với Ban Pháp chế - Hiệp hội doanh nghiệp, hoặc các cơ quan chuyên môn, để nắm rõ. Phiếu cần gửi về cơ quan khảo sát đầy đủ và đúng thời hạn.

Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng đề nghị 07 nội dung sau đây:

Một là Đề nghị đồng chí Bí thư tỉnh ủy giao cho các ban của Đảng chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Hai là Đề nghị đồng chí Bí thư giao cho các cấp, các nghành chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp. Đặc biệt là rút ngắn ngay thời gian trả kết quả các dự án đầu tư mà UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban thường vụ, Ban Thường trực tỉnh ủy.

Ba là Đề nghị đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra giám sát, đánh giá và công khai cho cộng đồng doanh nghiệp được biết, về việc thực hiện các đề án Đề án hỗ trợ doanh nghiệp Nhỏ và vừa, Đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đưa nội dung gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động tiếp xúc cử tri theo định kỳ.

Bốn là Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các đồng chí Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện thành thị xây dựng chương trình hành động và cam kết với cộng đồng doanh nghiệp về cải thiện từng tiêu chí đánh giá PCI và định kỳ hàng tháng đối thoại lắng nghe, tiếp nhận phản hồi từ doanh nghiệp theo đúng nghị quyết 09 của tỉnh ủy.

Năm là Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các nghành tích cực triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp Nhỏ và vừa, Đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Sáu là Đối với Ban chỉ đạo PCI tỉnh:

Thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cải thiện chỉ số thành phần tới Giám đốc sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Chỉ đạo ban chỉ đạo PCI cấp huyện thành định kỳ đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để tham mưu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong tỉnh.

Kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả các buổi đối thoại.

Bảy là Đối với các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp:

Tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ về các câu hỏi trong phiếu khảo sát PCI năm 2022, để doanh nghiệp có nhận thức đúng, công tâm, khách quan khi đánh giá.

Nâng cao vai trò phản biện chính sách, tiếp nhận và kiến nghị những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Tuyên truyền tới các doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, “làm đúng ngay từ đầu” để phòng ngừa các vướng mắc khó giải quyết về sau.

Hiệp hội doanh nghiệp tin rằng, với sự quyết tâm vào cuộc của Tỉnh ủy, HĐND,  UBND tỉnh, tinh thần “sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về mình” của từng sở, ban, ngành, huyện thành thị đối với việc cải thiện từng chỉ số thành phần; chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên sẽ thay đổi căn bản và thực chất, phấn đấu lọt TOP20 vào năm 2023.

T/M Thường trực

Chủ tịch NGUYỄN VĂN THỜI
 

 

 

Bạn đang xem: THAM LUẬN CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH THÁI NGUYÊN
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: