Tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 06/06/2022

“Cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách với khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để đưa ra định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động” là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội", diễn ra vào ngày 24/3. Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước
Điểm cầu Thái Nguyên

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn mà DNNN đang phải đối mặt; làm rõ việc DNNN có nhiều nguồn lực nhưng chưa sử dụng hiệu quả và đâu là giải pháp, động lực để khơi thông nguồn lực của khu vực DNNN.

Việt Nam có khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (0,08%), nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước; các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp… Giai đoạn 2016-2020, tiến trình cổ phần hoá diễn ra chậm, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN chưa đạt kế hoạch đề ra, còn mang tính hình thức và thiếu khả thi, chưa sát với thực tế. Về chỉ tiêu chủ yếu tái cơ cấu DNNN đến năm 2025, phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng…

Tại Thái Nguyên, hiện có 4 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; 5 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước (dưới 50% vốn điều lệ) do UBND tỉnh quản lý đã thực hiện thoái vốn theo quy định của Chính phủ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước được duy trì thường xuyên, không xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; các công ty sau khi cổ phần hóa đủ điều kiện là công ty đại chúng đều đăng ký và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tại hội nghị, căn cứ vào thực tiễn hoạt động, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng một số địa phương đã tham luận, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp quan trọng của DNNN vào sự phát triển của đất nước và khẳng định DNNN phải góp phần đắc lực vào sự phát triển, tạo nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng nhấn mạnh 1 số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về hoạt động của DNNN theo hướng tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để DNNN có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như các DN khác; đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển KT-XH đất nước; đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới DNNN…

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp trong phát triển KT-XH đất nước./.

Bạn đang xem: Tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: