TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH – CHÌA KHÓA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phú Bình và đang trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần giúp huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động ủy thác, nguồn vốn chính sách trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Từ đầu năm 2024 đến nay nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang Ngân hành CSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn là gần 1,4 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn vốn ngân sách huyện là 8,2 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng nguồn vốn.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Xuất phát từ tầm quan trọng đó, nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình đã được triển khai lồng ghép với nguồn vốn tín dụng chính sách. Trên cơ sở nhu cầu sử dụng nguồn vốn của các hộ dân và tình hình thực tế các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương, các chương trình tín dụng như: tín dụng hộ nghèo; tín dụng giải quyết việc làm; tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…đã được triển khai đến người dân. Từ nguồn vốn đó, các hộ dân đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này.
Từ nguồn vốn chính sách đã giúp gần 1.000 hộ nghèo, trên 1.500 hộ cận nghèo, khoảng 1.700 hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; trên 360 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học . Ngoài ra, còn có hàng nghìn lượt người lao động được duy trì và tạo việc làm mới, hàng trăm lượt hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh và hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Cũng từ nguồn tín dụng này, huyện đã xây dựng được gần 8.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, gần 100 ngôi nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Việc cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, phù hợp với sự phát triển của từng vùng, miền; nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng CSXH cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các xã, từ đó góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.