PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP - NÂNG TẦM NÔNG SẢN THÁI NGUYÊN

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Thái Nguyên là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp, như: Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao... Phát huy lợi thế đó, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Qua đó, góp phần tích cực nâng tầm nông nghiệp Thái Nguyên, phát triển kinh tế cho người dân tại các địa phương.

Năm 2019, Hợp tác xã Miến Việt Cường ở huyện Đồng Hỷ chưa có sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP thì doanh thu hạn chế, sau đó Miến Việt Cường được công nhận OCOP, tiếp đến là OCOP năm sao quốc gia thì doanh thu hằng năm tăng từ 15-20%/năm, đến nay đạt 50-60 tỷ đồng, vượt trội so nhiều sản phẩm miến khác.

Với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp, các ngành, Đề án xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sự nỗ lực của nông dân, coi trọng phát triển sản phẩm OCOP, vùng chè đặc sản Tân Cương được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã góp phần nâng tầm nông nghiệp Thái Nguyên.Vốn được sản xuất với quy mô nông hộ nhỏ lẻ, sau đó tăng cường ứng dụng kỹ thuật, cơ quan chức năng hỗ trợ hình thành tổ hợp tác, thành lập Hợp tác xã, thành lập Chi bộ, đến nay Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương có một sản phẩm OCOP năm sao quốc gia, nhiều sản phẩm OCOP bốn, ba sao, trở thành một trong những thương hiệu chè nổi tiếng nhất ở tỉnh Thái Nguyên. Hợp tác xã này đã xây dựng không gian thưởng trà, tham quan, trải nghiệm nghề trồng, chế biến, kinh doanh chè, trở thành điểm du lịch nông nghiệp cộng đồng, là điển hình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên thích hợp cho cây bưởi, những năm qua, không ít hộ dân trên địa bàn xã Tiên Hội, huyện Đại Từ đã cùng nhau trồng, mở rộng diện tích, xây dựng và phát triển thương hiệu Bưởi Tiên Hội gắn với sản phẩm OCOP. Theo tính toán của nông dân ở đây, trung bình mỗi ha bưởi cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Đến nay, xã đã có trên 20ha bưởi đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Đến nay Thái Nguyên có 240 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm năm sao quốc gia, 89 sản phẩm OCOP 4 sao, nhưng tỉnh không chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng để sản phẩm phát triển bền vững bằng các hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích các chủ thể mở rộng, củng cố vùng nguyên liệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp để có sức sống mạnh mẽ, lâu dài trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Cùng việc nâng cao sản lượng, chất lượng, tỉnh Thái Nguyên và các chủ thể coi trọng quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội; tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên đề sản phẩm OCOP, bày bán ở các siêu thị, điểm du lịch, điểm dừng nghỉ trên cao tốc; tất cả 9 huyện, thành phố trong tỉnh đều có không gian giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Theo đánh giá của ngành chức năng, giá trị kinh tế của các sản phẩm sau khi được đánh giá xếp hạng OCOP tăng từ 20% trở lên. Doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao OCOP đều tăng 20-50%. Đây cũng được coi là động lực để các HTX nông nghiệp phát triển.

 

Bạn đang xem: PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP - NÂNG TẦM NÔNG SẢN THÁI NGUYÊN
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: