TPTN: ĐỐI THOẠI VỚI CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, thương mại - dịch vụ... Nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để kịp thời tháo gỡ, chính quyền TP. Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị “Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn năm 2024".

Doanh nghiệp hỏi

Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm và xây dựng, đại diện các doanh nghiệp (DN) nêu nhiều kiến nghị liên quan đến cơ chế vay vốn, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), điều chỉnh quy hoạch các dự án đầu tư...

 

Cụ thể, đại diện một số DN đề nghị UBND TP. Thái Nguyên có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu thi công ký các hợp đồng xây lắp đơn giá cố định 12 tháng nhưng tiến độ GPMB chậm, trong khi giá nguyên vật liệu tăng. Đơn cử như Khu dân cư phường Thịnh Đán và xã Quyết Thắng, ông Ngô Thượng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Khải - nhà thầu thi công, đề nghị: Thành phố cần làm rõ nguyên nhân và giao cho các phòng, ban liên quan giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn về mặt bằng...

Về nguồn vốn đầu tư, đại diện nhiều DN phản ánh vướng mắc về thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng đối với tài sản là quyền sử dụng đất được cấp trước năm 1994. Cụ thể, những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này thường mang tên là “hộ gia đình" nên khi thực hiện thủ tục thế chấp phải có chữ ký đồng ý của tất cả thành viên tại thời điểm cấp bìa.

Ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thành Đạt, cho biết: Không chỉ vướng mắc liên quan đến “hộ gia đình", giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trước năm 1994 dựa theo theo bản đồ đo vẽ cũ nên diện tích trên "bìa đỏ" không khớp thực tế. Vì thế, nhiều ngân hàng từ chối hỗ trợ vay vốn do tài sản thế chấp không bảo đảm pháp lý.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, nhiều đơn vị đề nghị UBND TP. Thái Nguyên điều chỉnh quy hoạch chung để làm cơ sở điều chỉnh một số dự án khu dân cư, khu đô thị; thông tin thêm về tiến độ triển khai thực hiện một số dự án như vườn hoa sông Cầu, phố đi bộ...

Cùng với đó, DN kiến nghị chính quyền TP. Thái Nguyên phát huy vai trò làm “cầu nối” liên kết giữa DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN trong tỉnh...

Chính quyền trả lời

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của đại diện DN, doanh nhân, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của TP. Thái Nguyên đã tiếp thu, giải trình làm rõ theo thẩm quyền.

Trong công tác bồi thường GPMB ảnh hưởng đến hợp đồng đơn giá, ông Nguyễn Đức Lượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, giải thích: Chủ đầu tư và nhà thầu cần xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng, liệu việc chậm trễ do chưa GPMB và bàn giao mặt bằng có được coi là trường hợp bất khả kháng theo quy định pháp luật hiện hành không?. Từ đó có cơ sở đánh giá tính khả thi của việc điều chỉnh hợp đồng đơn giá cố định.

Về một số DA đầu tư bị vướng mặc bằng, ngoài nguyên nhân chủ quan thì có cả nguyên nhân khách quan, như Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực nên nhiều văn bản hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống của người dân bị thu hối đất…

Riêng đối với đề nghị của nhà thầu thi công về tiến độ thực hiện Dự án Khu dân cư phường Thịnh Đán và xã Quyết Thắng, đến nay, tỷ lệ GPMB đã đạt trên 90%, tháng 12-2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ phối hợp với các phòng, ban của thành phố đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm kế hoạch.

 

Trả lời kiến nghị về vướng mắc trong thủ tục vay vốn ngân hàng liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước năm 1994, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các DN liên hệ trực tiếp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại Bộ phận Một cửa để làm cấp đổi “bìa đỏ”, trước khi làm thủ tục thế chấp vay vốn tại các ngân hàng theo quy định...

Hội nghị đối thoại với DN là một trong những hoạt động được chính quyền TP. Thái Nguyên tổ chức nhằm cụ thể hóa Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Trong vòng 3 năm qua, TP. Thái Nguyên đã tổ chức 10 cuộc đối thoại với hàng trăm lượt DN trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Thái Nguyên, đánh giá: Thông qua các cuộc đối thoại, nhiều khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, DN được lãnh đạo thành phố kịp thời chỉ đạo giải quyết, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cũng tốt hơn.

Dù vậy, để nâng cao chất lượng đối thoại, các DN mong muốn UBND TP. Thái Nguyên tăng cường tổ chức đối thoại theo chuyên đề; thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của việc đối thoại, quy rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan, địa phương nếu sau đối thoại các vấn đề không được giải quyết hoặc giải quyết không thấu đáo...

Bạn đang xem: TPTN: ĐỐI THOẠI VỚI CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: