QUÊ LÚA PHÚ BÌNH VƯƠN TẦM CÁC SẢN PHẨM TỪ HẠT GẠO

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Phát huy những lợi thế về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Phú Bình đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao giá trị gạo, hình thành vùng sản xuất tập trung. Không chỉ thực hiện việc liên kết, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm gạo, huyện còn từng bước nâng cao chất lượng thương hiệu. Qua đó giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế của huyện.

Huyện Phú Bình có trên 12.000ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương đã lựa chọn, đưa nhiều giống lúa lai mới và các giống lúa thuần chất lượng vào sản xuất, chiếm 65% diện tích mỗi vụ. Đồng thời, huyện cũng có cơ chế khuyến khích bà con nông dân triển khai thực hiện nhiều biện pháp trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập từ cây lúa. Nhờ đó, đến nay năng suất các giống lúa mới đạt bình quân 63 tạ/ha/vụ (tăng 16 tạ/ha/vụ so với những giống lúa cũ); lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 25 triệu đồng/ha/vụ (tăng gấp 4 lần so với giống lúa đối chứng). Điển hình như việc đứa giống lúa J02 vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại một số địa phương của huyện Phú Bình. Hiện nay toàn huyện có khoảng 400ha cấy giống lúa này. Với ưu điểm là giống lúa cứng cây, chống chịu hạn hán sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon, nên đã được đông đảo người dân địa phương đưa vào gieo cấy. Từ đó, các mô hình liên kết từ sản xuất đến tìm đầu ra cho sản phẩm đã được triển khai tại địa phương. Năm 2022 sản phẩm “gạo J02 Ngọc Hiền” đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Nếp Thầu Dầu đã trở thành niềm tự hào của người dân Úc Kỳ nói riêng, Phú Bình nói chung. Chính vì vậy, trong những đợt tham gia hội chợ, triển lãm, trưng bày… người Phú Bình thường mang gạo nếp Thầu Dầu đi giới thiệu với du khách và gạo nếp Thầu Dầu Phú Bình cũng nhận được sự mến mộ của thực khách xa gần. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên loại nếp này trồng ở Úc Kỳ cho năng suất cao và chất lượng tốt, vì lẽ đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chương trình phục tráng giống; áp dụng phương pháp canh tác cải tiến SRI để giữ gìn và phát triển giống nếp… Sau 6 năm được công nhận nhãn hiệu tập thể, việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu thu được một số kết quả nhất định, diện tích gieo cấy lúa nếp Thầu dầu tại xã Úc Kỳ đã tăng lên 71 ha, cao gấp 2 lần so với trước khi được công nhận. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Phú Bình phối hợp với Trung tâm hợp tác Quốc tế Đại học Thái Nguyên tổ chức phục tráng giống lúa nếp Thầu dầu tại Úc Kỳ với quy mô 2 ha, nhờ đó gạo nếp Thầu dầu giữ được được những đặc trưng thơm, dẻo và năng suất cũng được nâng lên đáng kể, từ 33 tạ/ha năm 2012, đến nay đã tăng lên 48 tạ/ha.

Hiện nay diện tích nếp Thầu Dầu của toàn huyện là trên 200ha; sản phẩm gạo nếp này cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Không chỉ để làm bánh chưng, bánh dày, hiện gạo nếp Thầu Dầu còn là nguyên liệu chính để làm nên tương nếp Úc Kỳ - một đặc sản nổi tiếng tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Phú Bình.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trong phát triển lúa gạo, đến nay, sản phẩm gạo J02 và lúa nếp Thầu Dầu của Phú Bình đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; 5 vùng trồng lúa của huyện ở các xã: Dương Thành, Tân Đức, Úc Kỳ, Xuân Phương và Tân Khánh đã được Cục bảo vệ thực vật và trồng trọt Trung ương cấp mã vùng trồng, với diện tích trên 40ha; một số sản phẩm từ gạo như tương nếp, cơm cháy, bún, bánh dầy… cũng đã được các HTX và người dân sản xuất nhằm đa dạng sản phẩm hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương, bên cạnh thực hiện hỗ trợ giá giống lúa theo cơ chế của tỉnh, huyện, chúng tôi sẽ phối hợp với một số đơn vị cung ứng giống lựa chọn và đưa các giống lúa mới có tiềm năng, cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tiếp tục tăng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 50% (tăng 20% so với hiện nay); thực hiện các mô hình gieo cấy lúa tập trung hướng đến mục tiêu được cấp mã vùng trồng; nhân rộng phương thức nông dân liên kết, sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; khuyến khích và hỗ trợ thành lập, phát triển các HTX kiểu mới nhằm sản xuất, kinh doanh lúa gạo với quy mô lớn…

 

Bạn đang xem: QUÊ LÚA PHÚ BÌNH VƯƠN TẦM CÁC SẢN PHẨM TỪ HẠT GẠO
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: