THÁI NGUYÊN ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHẰM THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 24/11/2020

(QLNN) – Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của khu Việt Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ với diện tích 3.562,82 km², dân số 1.286.751 người1Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Thái Nguyên luôn xác định cải cách hành chính là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị (Ảnh: thainguyen.gov.vn).

 

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Về cải cách thể chế

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28/12/2018 về xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh năm 2019; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 – 2020” bảo đảm đúng tiến độ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã ban hành 7 văn bản QPPL; giao Sở Tư pháp thực hiện thẩm định 18 dự thảo văn bản QPPL, đóng góp ý kiến xây dựng 22 văn bản của tỉnh và Trung ương.

Cải cách thủ tục hành chính  và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 4048/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2019; Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 12/02/2019 về việc ban hành kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 14/01/2019 về việc phê duyệt kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2019; Văn bản số 682/UBND-KSTTHC ngày 6/3/2019 về việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC…

Ban hành 19 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc chức năng quản lý của các sở, trong đó có 683 TTHC (ban hành mới: 335 thủ tục; bãi bỏ: 348 thủ tục). Các TTHC sau khi công bố đều được cập nhật, tích hợp, công khai lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Ban hành 17 quyết định công bố danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả; 9 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở với tổng 178 quy trình nội bộ.

Tiếp tục triển khai nâng cấp hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, nhân rộng hệ thống một cửa điện tử cấp xã trong toàn tỉnh; đầu tư trang thiết bị hệ thống công nghệ thông tin áp dụng một cửa điện tử tại các sở, ban, ngành; cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được thực hiện trong lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội  đăng ký kinh doanh, công an, xây dựng…; tăng cường giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2019 là 297.642 hồ sơ, trong đó số hồ sơ đã giải quyết 287.921 hồ sơ.

Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước

Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh thực hiện sáp nhập đầu mối cho các tổ chức thuộc các lĩnh vực như: Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Dân số – Kế hoạch hóa gia đình…, giảm tổng số 20 đầu mối đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở và UBND cấp huyện. Thực hiện tinh giản biên chế cho 53 đối tượng theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; quyết định nghỉ chế độ cho 60 đối tượng theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-NĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Nội vụ thẩm định để Sở Y tế ra quyết định tuyển dụng đối với 80 thí sinh trúng tuyển viên chức của ngành Y tế; các cơ quan hành chính thực hiện tuyển dụng đối với 52 chỉ tiêu công chức các sở, ngành, địa phương; có 9 cơ quan thực hiện tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với 13 chỉ tiêu. Thông báo kết quả thi thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II; triển khai thi nâng ngạch thanh tra viên chính năm 2019. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức luôn được tỉnh quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Cải cách tài chính công

UBND tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính (hiện có 213 đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện); giao quyền tự chủ cho 848 đơn vị sự nghiệp công của tỉnh, trong đó có 30 đơn vị tự bảo đảm hoàn toàn chi thường xuyên. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm công tác sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, phê duyệt số liệu tài chính và kết quả hoạt động tài chính năm 2018 đối với nhiều đơn vị. Thực hiện cổ phần hóa đối với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Cấp thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Đại Từ.

Cải cách hành chính là động lực cho tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên

Về hiện đại hóa hành chính

Ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên năm 2019. Tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng; tiếp tục thực hiện trao đổi văn bản điện tử, thực hiện liên thông trao đổi văn bản đối với các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã, vận hành hệ thống thư điện tử, vận hành Hệ thống quản lý văn bản điều hành phục vụ hoạt động các sở, ban, ngành bảo đảm ổn định, an toàn an ninh mạng.

Các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015; tiến hành kế hoạch triển khai ISO điện tử trong hoạt động cơ quan hành chính đối với sở, ngành gắn với Bộ TTHC áp dụng tại các cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. 100% các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Đánh giá chung

Kết quả công bố các chỉ số năm 2018 tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả nhất định: chỉ số cải cách hành chính (CCHC) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 12/63, nằm trong nhóm cao nhất; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ứng dụng giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai tốt. Việc triển khai áp dụng đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC đối với các cấp đã cho thấy tính toàn diện và hiệu quả trong thực hiện CCHC, nhận thức của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, trách nhiệm của các ngành, các cấp được phân định rõ ràng.

Những tồn tại, hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hoạt động CCHC đã đạt kết quả song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC ở một số cơ quan, đơn vị thật sự còn chưa quyết liệt. Nhân lực thực hiện công tác CCHC thiếu, trình độ chuyên môn chưa được tập huấn, đào tạo bài bản. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết công việc giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh thiếu sự liên kết đồng bộ.

Phần mềm tại Bộ phận Một cửa chưa tương thích, dẫn đến việc áp dụng còn bị lỗi hoặc chưa liên thông được ở một số lĩnh vực; tại cấp xã mới chỉ thực hiện việc tiếp nhận văn bản, chưa gửi qua phần mềm điện tử. Tình trạng hồ sơ quá hạn giải quyết tuy đã giảm nhưng vẫn còn (nhất là lĩnh vực đất đai). Công tác tuyên truyền CCHC chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Kinh phí bố trí cho công tác CCHC còn hạn hẹp; cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện làm việc chưa được đầu tư đúng mức.

Một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên

Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, cần xác định công tác chỉ đạo điều hành về CCHC là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các ngành, các cấp. Chỉ đạo việc gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC nhà nước bằng nhiều hình thức, phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú ý tuyên truyền những kết quả CCHC nhà nước của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua để người dân cảm nhận được sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền trong công cuộc cải cách hành chính của tỉnh, tạo sự đồng lòng và đồng hành của tổ chức, cá nhân trong CCHC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra CCHC, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL để triển khai kịp thời, có chất lượng các quy định của Trung ương trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa các văn bản QPPL để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm soát TTHC; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân về thực hiện TTHC; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Ba là, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Bốn là, tiếp tục thực hiện cấp mã số ngân sách cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; cấp mã số đầu tư xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế quản lý tài chính mới để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị thực hiện theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước

Năm là, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Triển khai kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh. Tăng cường ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Triển khai mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; sử dụng hệ thống camera thông minh, Wifi thông minh; ứng dụng Zalo trong CCHC. Tiếp tục triển khai thực hiện việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC gắn với việc thực hiện quy trình ISO.

Chú thích:
1. Địa lý, lịch sử, hành chính tỉnh Thái Nguyên, Bách khoa toàn thư. https://vi.wikipedia.org/wiki, ngày 05/7/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Báo cáo số 129/BC-UBND ngày 11/6/2019 về kết quả công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2019.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 19/7/2019 về nâng cao Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên năm 2019.

 ThS. Lương Văn Đăng
Học viện Hành Chính Quốc gia

Bạn đang xem: THÁI NGUYÊN ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHẰM THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: