TÍCH CỰC ĐỔI MỚI DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 29/01/2022

 

Trụ sở Công ty CP Thép Toàn Thắng.

Công ty CP Thép Toàn Thắng (Khu B, Khu công nghiệp Sông Công I, phường Bách Quang, T.P Sông Công), được thành lập từ năm 2008, ngành nghề kinh doanh chính là luyện phôi thép. Trong nhiều năm qua, Công ty đã cung cấp số lượng lớn phôi thép ra thị trường trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; mỗi năm tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.

Là người từng đam mê và có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực luyện thép lò cao, ông Nguyễn Văn Mùa, Giám đốc Công ty đã chủ động tìm tòi, học hỏi các công ty bạn ở trong và ngoài nước về công nghệ luyện thép. Sau khi nghiên cứu, phân tích những ưu, nhược điểm của các dây chuyền luyện thép, ông đã bàn với Hội đồng Quản trị, lập đề án và xin chủ trương xây dựng dự án sản xuất luyện thép và xỉ giàu mangan nhằm chuyển đổi, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp giảm thiểu sự cố môi trường và tăng công suất nhà máy.

Theo đó, Công ty đầu tư một lò cao dung tích 320m3, với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên diện tích 6ha hiện tại của Công ty. Đây là công nghệ liên hợp từ chế biến nguyên liệu (thiêu kết quặng sắt) đến luyện xỉ giàu mangan và gang lỏng bằng lò cao, luyện thép trong lò chuyển thổi ôxy và đúc liên tục; những công nghệ này đã hoàn thiện, được vận hành rộng rãi trên thế giới và Việt Nam. Do sự hoàn thiện của công nghệ nên dây chuyền khi lắp đặt hoàn chỉnh sẽ hoạt động liên hoàn, liên tục, ổn định, cho năng suất cao.

Dây chuyền công nghệ luyện thép và xỉ giầu mangan của Công ty dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 3-2022.

Dự án thuộc diện được Chính phủ khuyến khích đầu tư, có nhiều ưu điểm và khác biệt: Chế biến sâu khoáng sản nghèo, nguyên liệu đầu vào chủ yếu là than cốc, quặng có hàm lượng ôxit sắt thấp và ôxit mangan cao (loại quặng không phù hợp với công nghệ luyện gang truyền thống); sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên vì tận dụng toàn bộ các chất phát sinh ra trong quá trình sản xuất; áp dụng công nghệ phun than cám để cường hóa quá trình, giảm tiêu hao than cốc phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, dây chuyền công nghệ giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường...

Sau thời gian triển khai lắp đặt, dây chuyền công nghệ luyện thép và xỉ giàu mangan sắp hoàn thành, dự kiến tháng 3-2022 sẽ đi vào hoạt động. Mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường 195 nghìn tấn phôi thép hợp kim, thép lõi que hàn và 100 nghìn tấn xỉ giàu mangan (là nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho việc sản xuất ferro mangan và silico mangan phục vụ cho ngành sản xuất thép của Việt Nam); tạo việc làm ổn định cho 200 lao động, với mức thu nhập khá tại địa phương.

 

Ngọc Thảo (baothainguyen.vn)

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/dau-tu/tich-cuc-doi-moi-day-chuyen-cong-nghe-san-xuat-297474-102.html

Bạn đang xem: TÍCH CỰC ĐỔI MỚI DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: