ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN
Công nghiệp bán dẫn với vai trò then chốt trong nền kinh tế số đang là ngành trọng điểm được Việt Nam ưu tiên phát triển. Để đón đầu xu hướng chuyển dịch và cơ hội đầu tư, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được coi là yếu tố “then chốt của then chốt”. Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao và có kế hoạch, lộ trình cụ thể đào tạo nguồn nhân lực, Thái Nguyên đang sẵn sàng biến các tiềm năng thành lợi thế, hiện thực mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của cả nước.
Sớm bắt nhịp xu hướng
Thái Nguyên đang sở hữu những lợi thế cơ bản trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn. Cụ thể là tỉnh có quy mô giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 4 cả nước; 70% các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn thuộc về lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp điện tử.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.254ha. Nhu cầu nhân lực, lao động phục vụ cho các khu công nghiệp và Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình là rất lớn.
Được biết đến là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước, Thái Nguyên có nền tảng về cở sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, đội ngũ cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm và trình độ cao. Trong Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đại học Thái Nguyên là một trong những cơ sở giáo dục công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực lĩnh vực này.
Với tất cả những yếu tố kể trên, đào tạo nhân lực bán dẫn đang trở thành… ngành “hot”. Không bỏ lỡ cơ hội, các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên đã sớm bắt nhịp để mở nhiều chuyên ngành đào tạo mới. Theo đó, trong năm học này, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông tuyển 150 chỉ tiêu chuyên ngành đào tạo AI, Big data và 150 chỉ tiêu đào tạo vi mạch bán dẫn; Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp mở lớp đào tạo sinh viên chính quy ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn và vi mạch khóa đầu tiên với 49 sinh viên và tăng quy mô gấp đôi qua mỗi năm tiếp theo (ngoài ra còn thực hiện đào tạo ngắn hạn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn và vi mạch với các ngành gần như công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật điện tử - viễn thông, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa… với quy mô 2.000 sinh viên/năm); Trường Đại học Khoa học tuyển sinh 32 sinh viên ngành bán dẫn.
Việc đào tạo nhân lực tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh đã bước đầu cho thấy sự chủ động bắt nhịp xu hướng và phát huy tốt mối quan hệ giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, nhà trường đóng vai trò trung tâm và nhà doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tầm nhìn dài hạn, lộ trình cụ thể
Xác định quan điểm phát triển bằng chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Thái Nguyên đang nỗ lực chủ động triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; coi dữ liệu trở thành phương thức sản xuất mới. Thái Nguyên là tỉnh đi tiên phong về chuyển đổi số và sẽ phát triển bằng chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Một trong những nội dung cụ thể quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chính là Kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 vừa được ban hành. Mục tiêu của Thái Nguyên hướng tới là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn, sử dụng trí tuệ nhân tạo; tham gia sâu vào khâu đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất thiết bị trí tuệ nhân tạo, góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Để đạt được mục tiêu trong dài hạn, kế hoạch của UBND tỉnh đã xác định giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác truyền thông; xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI; đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo ngành bán dẫn, AI trong nước và nước ngoài; kịp thời bắt nhịp nhu cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất; tăng cường trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo…
Trong quá trình thực hiện, tỉnh xác định đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn, AI gồm: Nguồn lực các chương trình, dự án, đề án từ ngân sách Trung ương, vốn ODA; nguồn ngân sách địa phương, đặc biệt là ngân sách tỉnh; tập trung thu hút đầu tư nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, đa dạng các loại hình đào tạo, như: Đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo thông qua sản xuất kinh doanh, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoại hoặc thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, AI đến làm việc trên địa bàn tỉnh…
Lộ trình cụ thể còn được thể hiện ở việc UBND tỉnh giao rõ trách nhiệm thực hiện kế hoạch cho các sở, ngành, Đại học Thái Nguyên, các cơ quan, đơn vị liên quan và thời gian phải hoàn thành. Với sự chủ động đi trước một bước về nguồn nhân lực, Thái Nguyên quyết tâm biến những tiềm năng trở thành thế mạnh, hiện thực mục tiêu trở thành một trong những trung tâm quan trọng về phát triển sản xuất công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của vùng và cả nước; trở thành một trong những trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030.
Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 15/11/2024 của UBND tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo 2.000 người học trình độ đại học và sau đại học ngành nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI trong nước và nước ngoài; đào tạo 500 người học trình độ cao đẳng và 2.000 người trình độ trung cấp lĩnh vực này. Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành các doanh nghiệp thiết kế, nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực. Tăng cường hợp tác giữa Thái Nguyên và từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển công nghệ bán dẫn, AI trong từng ngành, lĩnh vực…