NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN
Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Vì vậy thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhằm khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo tính bền vững, lâu dài.
Mỏ kẽm chì Cúc Đường được cấp phép đi vào hoạt động từ năm 2018 trên diện tích quy hoạch 50 ha. Do nằm ở khu vực vùng sâu, xa, đường đi lại khó khăn nên chủ mỏ đặc biệt trú trọng đến công tác phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, rà soát nhằm quản lý ranh giới quy hoạch và nguồn tài nguyên chưa khai thác.
Còn đối với huyện Đại Từ - địa phương có nguồn tài nguyên phong phú đa dạng có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Hiện trên địa bàn đã có 14 mỏ khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Tuy nhiên bên cạnh đó có rất nhiều điểm mỏ khoáng sản nằm rải rác, phân bổ không tập trung và các mỏ đã hết thời hạn khai thác. Đây là những khó khăn cho công tác quản lý và là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về ngành công nghiệp khai khoáng với nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, như: Quặng sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, than, vàng, vật liệu xây dựng… Từ lâu, ngành công nghiệp khai khoáng đã có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp chế biến, luyện kim trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung và góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.Để quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2021, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án này, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã có những chuyển biến tích cực.
Ngoài việc tăng cường quản lý, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản… các doanh nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo tính bền vững, lâu dài, giảm thiểu tới mức tối đa những tác động của hoạt động khai thác khoáng sản tới môi trường thiên nhiên và xã hội. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản tiết kiệm, tăng giá trị khoáng sản.