SẢN XUẤT CHÈ THEO HƯỚNG HỮU CƠ- GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thái Nguyên là một trong những vùng sản xuất chè lớn của cả nước cùng với đó năng suất, chất lượng chè cũng tăng qua hàng năm, không chỉ có vậy, thương hiệu sản phẩm trà của Thái Nguyên cũng đã được khẳng định tại thị trường trong và ngoài nước. Xác định chè là cây trồng chủ lực để nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy, phát triển ngành chè theo hướng sản xuất an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường, khẳng định thương hiệu, xứng danh “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”.
Để từng bước hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chè bên cạnh sản xuất an toàn, thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Không chỉ thực hiện quy trình sản xuất khắt khe từ nguồn đất, nước đến giống và quy trình chăm sóc mà còn phải đáp ứng việc không sử dụng bất kì loại hóa chất nào, bên cạnh đó là quy trình sản xuất xanh, tự nhiên, thân thiện với môi trường. Khâu chế biến cũng phải tuân thủ nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, không thêm bất kì chất phụ gia trong quá trình chế biến, đặc biệt sản phẩm phải có dán tem nhãn mác đầy đủ thông tin về sản phẩm. Đến nay, diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 110 ha. Trong đó có 1 số đơn vị đã có những đơn hàng xuất khẩu sang một số thị trường khó tính.
Từ việc phải đáp ứng tiêu chuẩn "5 không" (không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng và không dư lượng hóa chất độc hại), các mô hình sản xuất chè hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Từ những lợi ích của sản xuất theo hưỡng hữu cơ mà trong năm 2023, 2024 Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với với quy mô 40 ha, 104 hộ, tại 7 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia. Khi tham gia mô hình, các hộ thực hiện được hỗ trợ gồm 250 tấn phân hữu cơ vi sinh, 500 lít phân bón lá sinh học và 150 lít thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách tại các điểm thực hiện mô hình; tiến hành hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các hộ ghi chép sổ sách, sử dụng, bảo quản vật tư, phân bón có hiệu quả…
Theo tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hiệp quốc (FAO) dự báo sản lượng chè xanh toàn cầu sẽ tăng nhanh, khoảng 7,5% mỗi năm, đạt 3,6 triệu tấn vào năm 2027; đồng thời dự báo trong nhiều thập kỷ tới sẽ có những "khách hàng mới" cho đồ uống chè đó là nhóm tiêu dùng trẻ tuổi ở thành thị. Chính vì vậy, việc sản xuất theo hướng hữu cơ chính là cơ hội cho chè Thái Nguyên vươn xa thị trường trong và ngoài nước, thậm chí vào được với những thị trường khó tính.
Có thể thấy việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập và làm giàu bằng nghề trồng chè mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính người sản xuất, người tiêu dùng, thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Từ đó góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương của tỉnh Thái Nguyên.