THÁI NGUYÊN ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 23/12/2024

Thái Nguyên Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01 về chuyển đổi số, Thái Nguyên đã sớm nắm bắt cơ hội để kiến tạo những nền tảng phát triển. Đến nay, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) và là một trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Hiệu quả bước đầu từ công cuộc CĐS đã đáp ứng được nhiều nhu cầu tiện ích của người dân, đồng thời đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xác định chuyển đổi số có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp. HTX chế biến nông sản Võ Nhai đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh. Các quy trình từ chăm sóc, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đều được ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử nhờ đó, góp phần gia tăng doanh thu, nâng cao đời sống của người lao động, tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Thời gian qua, tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc chuyển đổi số trong hoạt động, đảm bảo chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm công tác công đoàn. Điển hình như  tổ chức Công đoàn của công ty TNHH Khai thác, Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đã tích cực đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công đoàn.

Thực hiện công cuộc CĐS, Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số. Đến nay, 100% các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang. Thực hiện chủ trương tắt sóng 2G để thúc đẩy mục tiêu CĐS Quốc gia, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân chuyển sang sử dụng mạng 4G. Việc chính thức triển khai hạ tầng mạng 5G tại Thái Nguyên là dấu mốc quan trọng thúc đẩy áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 4 năm thực hiện công cuộc CĐS, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước tiến dài trong cuộc dịch chuyển vào không gian số. Từ chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã trở thành một phương thức chỉ đạo, vận hành mới của cả hệ thống chính trị; góp phần tạo động lực quan trọng xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc… Toàn tỉnh hiện có trên 5 nghìn doanh nghiệp số, trong đó có trên 300 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp CĐS, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin. Hiện, chỉ số kinh tế số Thái Nguyên xếp thứ 4 toàn quốc và đóng góp 34% tổng số GRDP của tỉnh, vượt hơn 2 lần chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01.Thực hiện Đề án 06, đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận hơn 847.000 tài khoản định danh điện tử mức 2 và đã kích hoạt trên 811.000 tài khoản, đạt tỷ lệ kích hoạt 96%. Thái Nguyên đang xếp thứ 07/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trưởng điện tử được đánh giá trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

CĐS là hành trình có ngày khởi đầu nhưng không có ngày kết thúc. Thời gian tới, Sở TT và TT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ CĐS; tiếp tục hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh kết nối với hệ thống của Trung ương, phục vụ tốt hơn nữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Ngành sẽ có những giải pháp bổ sung trang thiết bị, hệ thống phần mềm bảo đảm hoạt động an toàn, đáp ứng yêu cầu của Trung tâm Dữ liệu tỉnh Thái Nguyên; đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số bảo đảm tiện ích, an toàn và thông minh…

 

Bạn đang xem: THÁI NGUYÊN ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: