THÁI NGUYÊN: QUY HOẠCH ĐÔ THỊ LÀM ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Tác giả: CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG VÀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ngày đăng: 25/12/2024

Việc Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đạt giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards tại Singapore 2023 thể hiện tầm nhìn chiến lược của một trung tâm Vùng trong tương lai.

Theo các chuyên gia, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được quốc tế đánh giá cao bởi đã đáp ứng được những tiêu chí về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Điều này cũng thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan xây dựng quy hoạch, hướng tới một Thái Nguyên phát triển nhanh, hài hòa, bền vững.

Đô thị là động lực phát triển

Theo nội dung Quy hoạch, Thái Nguyên sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng (khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ thông tin tập trung; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao). Đồng thời, tỉnh sẽ quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đảm bảo đủ tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Xây dựng Thái Nguyên, đến năm 2030, quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên có 15 đô thị gồm: 01 đô thị loại I là thành phố Thái Nguyên. 02 đô thị loại II là thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên. 05 đô thị loại IV là các đô thị mới: Thị xã Đại Từ, Thị xã Phú Bình; các thị trấn: Hóa Thượng, Đu, Chợ Chu.

 

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng sẽ có 07 đô thị loại V là các thị trấn: Trại Cau, Sông Cầu, Đình Cả, Giang Tiên và các đô thị mới là: Quang Sơn, Bình Yên, La Hiên.

Đồng thời, tỉnh phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố Thái Nguyên đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của tỉnh Thái Nguyên; trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, xây dựng thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công gắn với xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trong khi đó, các vùng nông thôn tỉnh Thái Nguyên được phát triển gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của mỗi vùng, khu vực; gắn kết với các vị trí của các vùng; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chuyên ngành hoặc vùng nông nghiệp ngoại thành, ngoại thị.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Đức Khánh, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được xây dựng với quan điểm mục tiêu và tầm nhìn là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh toàn diện và bền vững, trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh ở miền Bắc. Thái Nguyên trong những năm qua đã phát triển rất nhanh chóng, bộ mặt kiến trúc cũng đã hình thành mang bản sắc đậm nét của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, Thái Nguyên đã tạo được “bộ mặt” kiến trúc đô thị phù hợp với trung tâm miền núi phía Bắc và bắt đầu hướng trung tâm ra sông Cầu, hướng thành phố về phía hồ Núi Cốc, tạo nên một không gian đô thị tương đối hoàn chỉnh và hệ thống giao thông kết nối được với các tỉnh bạn.

Cơ hội lớn để thu hút đầu tư

Thái Nguyên đã và đang trở thành trung tâm công nghiệp quan trọng của miền Bắc, với sự hiện diện của các khu công nghiệp lớn như Sông Công, Yên Bình, Điềm Thụy... Theo Sở Xây dựng, việc Quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng hiện đại, cải thiện giao thông và dịch vụ logistics, giúp tăng cường kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc​.

Theo đó, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, khu đô thị mới và các khu thương mại. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt trong việc phát triển các khu dân cư cao cấp và cơ sở hạ tầng xã hội đi kèm như trường học, bệnh viện và trung tâm thương mại.

Với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ này, dân số Thái Nguyên sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là từ dòng lao động nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp lớn. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, căn hộ chung cư và các dịch vụ thương mại, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản trong việc phát triển các dự án nhà ở, trung tâm thương mại và khu dân cư​.

Việc Thái Nguyên được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050 cũng sẽ làm tăng giá trị đất đai, đặc biệt tại các khu vực đang phát triển như Phổ Yên, Sông Công, Phú Bình, Đại Từ. Các tuyến đường mới và cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ tạo không gian phát triển mới khiến giá đất tại đây tăng lên, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư bất động sản.

Thêm vào đó, Thái Nguyên đang đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông, bao gồm các tuyến đường kết nối với Hà Nội và các tỉnh lân cận. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống cho cư dân mà còn thu hút thêm đầu tư từ các lĩnh vực khác, làm tăng giá trị các dự án bất động sản tại Thái Nguyên.

Ông Hoàng Văn Nam, Giám đốc dự án khu đô thị Việt Hàn, công ty CP bất động sản Hải Long Land cho biết, dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2019 với quy mô sử dụng đất 38ha. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Sở Xây dựng, TP Phổ Yên luôn sát sao trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TTHC của tỉnh Thái Nguyên khá thông thoáng, minh bạch. Các thủ tục về cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp được xử lý rất nhanh chóng thông qua trung tâm phục vụ hành chính công. Một số TTHC khác doanh nghiệp thực hiện qua môi trường điện tử, giúp tiết kiệm chi phí thời gian, tăng chi phí cơ hội cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của chuyên gia và doanh nghiệp, để đạt được các mục tiêu phát triển trên, Thái Nguyên vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị. Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp đã kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, gây áp lực lên hạ tầng đô thị và môi trường.

Để giải quyết những thách thức này, nhiều chuyên gia đã chia sẻ, Thái Nguyên cần tập trung vào việc hoàn thiện quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng môi trường sống và tăng cường quản lý đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch để tạo động lực tăng trưởng mới, giảm sự phụ thuộc vào công nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Bạn đang xem: THÁI NGUYÊN: QUY HOẠCH ĐÔ THỊ LÀM ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: