THÁI NGUYÊN THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu phấn đấu cơ bản về kinh tế số. Xác định năm 2024 là năm có ý nghĩa then chốt trong Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngay từ những tháng đầu năm, cấp ủy chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Với những chính sách linh hoạt cùng việc thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp, kinh tế số của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội từ chuyển đổi số. Có thể thấy, thời gian qua, kinh tế số đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu cơ bản tỉnh đặt ra là đến năm 2025, phấn đấu kinh tế số chiếm trên 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, trước hết, tỉnh chú trọng đẩy mạnh các lĩnh vực trọng điểm hiện nay như phát triển công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử, sản xuất thông minh... đồng thời, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực, từng bước ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại nhiều giá trị thiết thực hơn cho người dân, doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 doanh nghiệp số, trong đó có 324 doanh nghiệp công nghệ số. Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện khai thuế điện tử; 98% số doanh nghiệp đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử; tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%. Toàn tỉnh có hơn 2.700 sản phẩm cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; đưa 72 sản phẩm nông nghiệp lên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ sò... Các nền tảng, phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số tiến tới phát triển kinh tế số đã được tỉnh triển khai hỗ trợ: Hỗ trợ 16 lượt doanh nghiệp, Hợp tác xã thông báo website thương mại điện tử của đơn vị với Bộ Công Thương; tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng Tiktok cho trên 80 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã; Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh tổ chức 22 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Buudien.vn (trước đây là Postmart.vn) tại các địa phương; Phong trào livestream bán nông sản ngày càng được nhân rộng, trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín - Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2024” (đã có trên 20 streamer tham gia; sau 03 giờ livestream, đã tiếp cận được gần 6 triệu lượt xem, chốt bán 865 đơn hàng trong đó bán trực tuyến 4,63 tấn na, doanh thu ước đạt trên 370 triệu đồng); Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức chương trình “Giao lưu, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ, quản lý” bằng hình thức livetream quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm trên nền tảng số; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh cập nhật, sử dụng phần mềm Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên, luỹ kế đến nay có 426 tài khoản đăng ký sử dụng, số cơ sở cập nhật, theo dõi, quản lý 7.065 cơ sở, 182 vùng sản xuất với tổng diện tích 1.286,79 ha, tạo lập 62 sổ nhật ký sản xuất, cập nhật thông tin 63 sản phẩm. Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn, tính đến nay có trên 3.000 sản phẩm của cả nước được cập nhật trên sàn, trong đó có 2.500 sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên (240 sản phẩm OCOP; 90 sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh…).
Đồng hành với doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Báo cáo, Sở đã phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp triển khai hỗ trợ cho 1.849 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng các nền tảng số, đồng thời, tổ chức 04 hội nghị đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng, khai thác nền tảng số với 84 doanh nghiệp tham dự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Tính đến hết ngày 31/01/2024, có 519/653 doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (trong đó: 119 doanh nghiệp, 400 hộ kinh doanh), đạt tỷ lệ 79,48%, mang lại tiện ích tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Với dịch vụ Mobile Money, hiện tỉnh có 03 doanh nghiệp viễn thông là Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên đã triển khai dịch vụ này đến gần 435 nghìn khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán.
Với kết quả đã đạt được, Thái Nguyên đứng thứ 2 cả nước về tỷ trọng Kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đạt mức 42,92%, nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế số công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông lớn nhất cả nước.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ, thời gian tới, tỉnh cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số; đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động thương mại điện tử; đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số; đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới.